HELENA PETROVNA BLAVATSKY-CH 6-7

CHƯƠNG VI
New York

Helena sang New York tháng 7–1873 gần như không có đồng xu nào, cũng từ đây bà yêu cầu thân hữu gọi mình là HPB nên ta sẽ dùng chữ này trong bài. Trước khi rời Pháp HPB có cho cha hay, và dặn gửi tiền cho mình tại tòa lãnh sự Nga ở New York, nhưng khi tới hỏi thì được trả lời là không có thư gì của đại tá Hahn cho con gái. Sự việc là đại tá Hahn qua đời ngày 15–7, cũng như sau đó gia đình chờ xong thủ tục pháp lý, mới chuyển phần gia tài của HPB sang Mỹ cho bà vào tháng 10. Nó có nghĩa HPB gặp khó khăn tài chính trong thời gian đó. Để sinh sống HPB làm hoa giả, vẽ mẫu quảng cáo và ngụ tại nhà trọ ít tiền dành cho phụ nữ. Khi nhắc lại khoảng đời này HPB luôn tỏ ý biết ơn những người đã cho bà việc làm, mà cũng nhờ vậy ta có được các nhân chứng trong nhà trọ nói về con người HPB. Họ mô tả HPB tỏa ra uy lực, bà biểu lộ cho thấy có tài về trang trí, hội họa và âm nhạc, và khi có ai hỏi thì nói rõ quá khứ của họ khiến người hỏi rất khâm phục. Người ta cũng chứng kiến khả năng siêu hình của HPB, cho ra nhận xét về con người của HPB giống như quan sát của những người khác về sau, là ăn nói thẳng thắn, không biết sợ và sẵn lòng bênh vực người yếu thế.
Khi có người muốn nhờ HPB tiếp xúc với thân nhân đã qua đời, HPB bảo là chuyện ấy bất khả, vì thân nhân nay thuộc về những việc cao hơn và ở ngoài tầm liên lạc. HPB tỏ ra không hề để bụng chuyện cá nhân, người chung quanh thấy bà có thể tỏ ra bất bình, tức giận, nhưng không hề nhắm tới người hay vật riêng rẽ mà có tính vô tư. Họ nói lên đặc tính của HPB là không kiêng nể một ai hay điều gì, khi có trái ý thì bà mạnh mẽ bầy tỏ ý kiến làm người khác kinh ngạc.
HPB qua New York mang theo một khoản tiền lớn đã nói ở trên, nó được dành cho chuyện mà bà không biết nên cho dù túng quẫn, bà vẫn không sử dụng số tiền ấy. Không lâu sau đó HPB được lệnh đi Buffalo mà không biết để làm chi. Khi đến thành phố này bà được trao số tiền cho người tại địa chỉ nọ, không cần giải thích mà chỉ cần lấy biên nhận và ra về. HPB làm y vậy thì thấy đó là một người đàn ông tại địa chỉ trên, đang ở trong tình trạng tuyệt vọng. Bà đến lúc ông đang viết thư vĩnh biệt gia đình, bên cạnh có khẩu súng để sẵn cho ông tự sát sau đó nếu không nhờ HPB đến. Về sau HPB nói rằng có vẻ như người đàn ông rất đáng quí trọng ấy bị lường gạt mất số tiền trên, mà ông cần cho việc dẫn đến những biến cố quan trọng trên thế giới. Do đó số tiền cần được hoàn lại cho ông trong cuộc khủng hoảng này, và bà là tác nhân được ủy thác phần việc ấy.
Nhận được phần gia tài của gia đình gửi qua vào tháng 10 – 1873, HPB dùng số tiền đầu tư vào nông trại nuôi gà, hùn chung với người khác và tới sống ở trang trại này vào tháng 7 - 1894. Tuy nhiên có sự lường gạt trong việc hùn hạp, HPB bỏ kế hoạch mở trại gà lấy trứng mà trở về New York nhờ pháp luật phân xử, thu lại được phần vốn đã ứng ra. Thời gian này có vẻ như không định hướng trong việc làm của HPB, nhưng nhìn theo khía cạnh khác thì nó là sự chờ đợi thời điểm thuận tiện, tụ họp các nhân vật và cơ hội cần thiết, tức sự xuất hiện của ông Olcott và những buổi cầu hồn ở trang trại Eddy. Bởi ông Olcott từ đây có sinh hoạt gắn liền với HPB và với hội, trước khi tiếp tục chuyện ta cần trình bầy thân thế, để hiếu rõ vai trò và sự đóng góp lớn lao của ông cho hội.

Henry Steel Olcott

Ông gốc người Anh, gia đình lập nghiệp tại Hoa Kỳ được khoảng tám đời tính đến ông, theo đạo Tin lành phái Methodist. Ông sinh ngày 2 - 8 - 1832, khi đang theo học ngành canh nông tại đại học Columbia thì thương nghiệp của ba ông thất bại, khiến ông phải bỏ dở việc học. Ông về làm việc ở trang trại tại Ohio, đọc sách về thuật thôi miên, thực tập và thấy mình có khả năng làm giảm đau cho người khác nhờ thuật. Ông thực hiện một số phương pháp mới về canh nông khiến được biết tiếng, chính phủ Hy Lạp mời ông dạy ngành canh nông tại Athens năm 23 tuổi nhưng ông từ chối. Thay vào đó ông mở trường canh nông tại Mount Vernon, sang Âu châu nghiên cứu về ngành này, viết sách do đại học Yale xuất bản về canh nông, ông cũng viết những bài báo về ngành của mình, nhưng mở rộng công việc ký giả sang những phạm vi khác, như đến tận chỗ tường thuật về các biến cố của miền nam, trong những ngày trước cuộc nội chiến Nam Bắc của Hoa Kỳ. Ông lập gia đình năm 1860, hai ông bà có hai con trai nhưng bởi không cùng xu hướng nên về sau cuộc hôn nhân tan rã.
Năm 1861 nội chiến xẩy ra, ông nhập ngũ vào quân miền bắc chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ. Ông được chỉ định vào ngành truyền tin, sau đó mắc bệnh sốt rét và kiết lỵ nên phải giải ngũ, nhưng rồi được giao cho việc điều tra nạn đầu cơ, trong quân nhu của bộ binh làm công quỹ bị thiếu hụt nặng, được phong cấp bậc đại tá. Thượng cấp tỏ ra rất hài lòng với kết quả và khi hải quân mở cuộc điều tra tương tự, bộ trưởng hải quân hỏi mượn ông từ bộ binh để làm việc ấy. Khi tổng thống Lincoln bị ám sát thiệt mạng ngày 14 - 8 - 1865, bộ trưởng chiến tranh cho triệu hồi và chỉ định ông vào tiểu ban ba người để điều tra vụ ám sát. Sau đó ông tốt nghiệp luật năm 1868, bắt đầu hành nghề này tại New York, chuyên về những vụ liên quan đến quan thuế, thuế và bảo hiểm, với thân chủ là thành phố New York, thị trường chứng khoán New York, các hãng bảo hiểm, ngân hàng, công ty hỏa xa Panama, và xưởng thép của Anh United Steel Manuiacturers of Sheffield.
Nghề nghiệp thành công nhưng cuộc hôn nhân không hạnh phúc, vào thời điểm của chuyện (1874) ông đang sống riêng tại New York trong khi chờ hoàn tất thủ tục ly dị. Vào tháng 7 - 1874 lúc ngồi ở văn phòng, trí vơ vẩn nghĩ tới một hồ sơ đang lo cho thành phố New York về việc đặt đồng hồ nước, ông lan man nhớ rằng đã mấy năm chưa theo dõi phong trào Thông linh học. Cảm nghĩ ngày càng mạnh khiến ông ra phố tới sạp báo mua tờ báo chuyên về sinh hoạt này, đọc trong báo có tin nói một nông trại ở Chittenden thuộc tiểu bang Vermont, có vong linh hiện hồn với hình thể đặc. Đây là nông trại của gia đình Eddy, với hai người đồng chính yếu là anh em William và Horatio.
Ông lấy xe lửa đi ngay, ở lại trại vài ngày quan sát rồi phải trở về New York lo việc văn phòng. Tới tháng chín ông xuống trại lần nữa, viết bài cho báo mô tả sự việc. Ông đi Vermont lần thứ ba vào 14 - 10, ghi lại trong hồi ký rằng đó là ngày nắng đẹp, cây cối đổi mầu lúc chớm thu khiến phong cảnh với lá vàng óng và đỏ rực, trông giống như trải thảm lộng lẫy của triều vua. Bước vào trại, một người trong số các khách đến xem hiện tượng làm ông chú ý. Đó là một phụ nữ mặc áo đỏ, tóc mượt như tơ, dầy, mầu vàng dợn sóng đến tận chân tóc như lông trừu, nói tiếng Pháp với người bạn cùng đi với bà. Vì vậy khi thấy bà lấy ra điếu thuốc, ông bước tới đưa ra bật lửa mồi thuốc cho bà và nói:
Permettez moi, Madame.
Nhớ lại lần đầu gặp gỡ ấy, nhiều năm sau ông Olcott nhận xét là công việc chung của ông và HPB bắt đâu bằng khói, nhưng khuấy động lên ngọn lửa vĩ đại không ngừng. Ấn tượng đầu tiên của ông về cuộc nói chuyện là ông chưa hề gặp ai đặc sắc và lạ lùng như thế. Ông tả bà có gương mặt rộng nhưng đầy uy lực, thanh nhã và đường bệ khác hẳn những khuôn mặt bình thường trong phòng. Sự thu hút giữa hai vị nằm ở điểm họ có phần việc chung phải làm, ông Olcott luôn nhấn mạnh rằng ngay từ thuở ban đầu, người này không hề nhìn người kia như kẻ khác phái, họ chỉ là bạn và tình cảm của ông đối với bà giống như đối với một người đàn ông khác, hơn là đối với một phụ nữ. Ông thêm rằng vẻ ngoài, cách ăn nói và hành động nói rõ HPB không có phái tính. Tới cuối tuần ông gọi HPB với tên thân mật là Jack.
HPB lưu tại trại Eddy hai tuần, nhưng ông Olcott ở tới tháng 11 mới về New York, mỗi tuần hai lần ông viết bài tường thuật cho báo tại New York. Từ khi HPB dự những buổi cầu hồn, có nhiều vong linh hiện ra hơn chỉ vì bà tạo ra chúng để thí nghiệm, mà người khác kể cả ông Olcott không hayvì bà không nói cho ai rõ. Bà viết:
– Hình hiện ra không phải là chứng cớ rằng người ấy đã qua đời, vì tôi tạo nên những hình của người mà tôi tin đã khuất vào lúc đó, nhưng về sau biết ra là họ vẫn còn tại thế. Tôi tạo ý tưởng trong trí, nó giống như cái khuôn hình dạng của người, và được tung vào thể tình cảm của người đồng. Trong những buổi cầu hồn đó tôi không hề gặp được vong linh ai tôi muốn gặp, mà chỉ trong giấc mơ hay trong linh ảnh, tôi mới được tiếp xúc trực tiếp với thân nhân ruột thịt và bạn hữu, những ai có tình thương tinh thần mạnh mẽ với tôi. Vì những lý do về từ lực, vỏ (shells, tức thể tình cảm bị bỏ lại lúc con người thật rời cõi tình cảm lên cõi cao hơn) của người thương yêu ta rất nhiều sẽ không đến với ta, ngoại trừ một thiểu số rất ít. Họ không cần làm thế vì trừ phi là người rất đỗi xấu, họ có chúng ta trong cõi Devachan chung quanh họ, có đối tượng là những ai mà họ thương yêu lẫn những đấng họ tôn thờ, kính mến.
Vỏ một khi tách rời khỏi linh hồn không có điểm chung nào với cái sau. Nó không bị thu hút về người thân hay bạn bè, mà về những ai nó có ái lực mạnh nhất về thể chất, nhục dục. Như thế vỏ của người nghiện rượu sẽ bị lôi cuốn về ai nghiện rượu, hay có sẵn lòng ham thích uống rượu. Trong trường hợp đó cái vỏ sẽ làm nẩy nở ham thích này, bằng cách dùng thể của người sống làm thỏa mãn thèm khát của nó, và ai qua đời lúc còn đầỵ ham muốn tình dục với người tình còn sống, thì cải vỏ sẽ bị thu hút về người sau.
Vỏ là rác thải ra ở cõi tình cảm, nó không lên được cõi cao cùng với linh hồn. Tôi thường kinh hãi và ghê sợ thấy vỏ tách khỏi thể tình cảm của người đồng, khoác lấy bộ dạng của ai đó, giả làm thân nhân của khách tới dự buổi cầu hồn làm khách hân hoan mừng rỡ, thành tâm tin đó là thân quyến đã quá vãng nay trở về, để gặp họ cùng cho hay có sự sống bên kia... Phải chỉ họ biết được sự thật, phải chỉ họ tin ! Nếu họ thấy như tôi hay thấy, rằng nó là một sinh vật quái dị không có hình dạng, chộp lấy một người khách trong buổi cầu hồn, quấn trùm họ như cái khăn phủ mầu đen và chậm chạp biến mất vào thân hình của khách, như thấm qua các lỗ chân lông. Những vỏ này tiếp tục sống nhờ sinh lực của hàng trăm khách đến xem và của người đồng. Nhờ sự chỉ dẫn của Chân sư tôi nhận thấỵ:
– Những hình thật hiện ra ở trại Eddy, là vong linh của người đã sống và qua đời trong vùng núi này.
– Hình của ai chết ở xa hơn thì hiện ra không trọn vẹn, có trộn lẫn với hình ảnh còn vương vấn trong hào quang của khách mà cái vỏ muốn hiện ra cho thấy.
– Hình giả mạo hoàn toàn, tức không phải những vỏ kích thích thể của người đồng, mà thể của họ đồng hóa một cách vô thức với hình ảnh của thân nhân, hay bạn hữu đã khuất chứa trong thể của khách đến xem.
Cảnh tượng thật ghê sợ nhưng khách lại òa khóc vì mừng rở sung sướng, tưởng thật là gặp lại thân quyến làm tôi mủi lòng cho họ. Tôi hay ước phải chi họ biết hình giống thân nhân này chỉ thuần là những đam mê thuộc cõi trần, tật xấu, tư tưởng phàm tục, cặn bã còn sót lại của thân nhân, cái không thể lên cõi thanh chỗ của tâm linh và linh hồn, bị thải ra trong bầu không khí trần tục và là cái mà người đồng thấy. Những hình hiện ra có thể giống hình của người đã khuất, nhưng không phải là linh hồn họ mà chỉ là hiện tượng do vỏ tạo ra.
Ta ghi nhận rằng HPB có phân biệt rõ ràng, giữa linh hồn người đã khuất và cái vỏ họ bỏ lại ở cõi tình cảm. Theo tiến trình tự nhiên của sự sống, con người chết lần thứ nhất ở cõi trần khi rời bỏ xác thân và bước qua cõi tình cảm, sau một thời gian ở đó ta "chết" lần thứ hai khi rời cõi này để sang cõi trí, bỏ lại thể tình cảm ở cõi trung giới. Thể tình cảm khi ấy thành cái vỏ, ngôi nhà bỏ không vô chủ, trôi vật vờ nơi đây, có thể làm linh hoạt nhờ năng lực của đồng cốt và khách dự buổi cầu hồn.
Giống như nhiều việc khác HPB làm, không phải ngẫu nhiên mà bà đến trại Eddy xem hiện hình, hay tình cờ gặp ông Olcott mà ghi rằng mình được lệnh tới đây với ít nhất hai mục đích:
– Thứ nhất là để gặp và làm quen với ông Olcott
– Thứ hai là để hỗ trợ phong trào Thông linh học.
Điều sau nên được nói rõ. Ta sẽ thấy mục tiêu của HPB và Thông linh học khác nhau rất xa, HPB muốn truyền bá MTTL, và chống đối mạnh mẽ việc tìm cách liên lạc với người đã khuất, bà chủ trương phát triển thiên tính của con người, mà không chú trọng đến việc tạo hiện tượng, là những điều mà Thông linh học quan tâm muốn nghiên cứu. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu, HPB tham dự phong trào Thông linh học để kêu gọi thế giới chú ý đến cỏi vô hình, và những quyền năng huyền bí (tuy nó không huyền bí cho ai biết luật), bênh vực sự thật trong những khám phá của khoa này, nhằm làm đảo ngược khuynh hướng duy vật của con người lúc đó. Vì thế bà tạo ra hiện tượng trong buổi cầu hồn như ta thấy, lên tiếng ủng hộ người đồng khi biết họ chân thật, và bị kẻ khác tấn công vì ác ý hay thiếu hiểu biết, cùng giúp Thông linh học tránh nguy cơ mà họ chưa biết. Đó là vì một số người lợi dụng lòng tin thiếu hiểu biết của công chúng để trục lợi cá nhân, khiến Thông linh học bị mang tiếng, giới trí thức bác bỏ bằng chứng về cõi vô hình, và quyền năng chưa được giải thích. Thế nên tuy bênh vực sự thật về Thông linh học, phần việc khác của HPB còn là trưng ra sự giả mạo nếu có khi nó bị lợi dụng.
Công chúng rất tò mò về các hiện tượng, nên các bài tường thuật trên báo của ông Olcott được chăm chú theo dõi. Mức độ chú ý cao khiến ông viết chuyện thành sách, và những bài báo được HPB dịch sang tiếng Nga để đăng tại Moscow. Mặt khác HPB tạo thêm nhiều hiện tượng cho thân hữu xem, dần dần ông Olcott khám phá rằng, khác với người đồng bình thường bị vong linh chế ngự và làm theo ý muốn của chúng, HPB làm chủ tinh linh, sai khiến chúng thực hiện ý bà như tạo việc hiện hình, nói khác đi không có vong linh, mà hình hiện ra là do tinh linh tạo nên tuy người dự không phân biệt được. Khách đến chơi với HPB có thể đặt câu hỏi và được trả lời bằng tiếng gõ, thấy hiện hình, bắt tay được với hình, sờ được cả râu tóc, đầu của hình có nghĩa đó là thể đặc mà không phải như sương khói. Có lần ông Olcott tháo nhẫn đưa cho hình, muốn họ giữ trong tay một lúc để ông có kỷ niệm về buổi cầu hồn. Đáp lại hình tỏ ý muốn giữ luôn nhẫn khiến ông không vui, vì nhẫn có giá trị cũng như ông không có ý định tặng nhẫn cho vong linh không có thân hình, chỉ có đầu và tay. Tối đến khi vào giường, ông thấy nhẫn được đạt trên gối nguyên vẹn không suy suyển.
Ta ghi lại những chi tiết trên để nói rằng đây là hiện tượng có thật, xẩy ra trước mặt nhiều nhân chứng ngoài ông Olcott. Tính xác thực của nó còn được bảo đảm qua tư cách của ông, vì đã từng thực hiện một số cuộc điều tra trước kia, ông thông thạo tâm lý và kỹ thuật lường gạt, nhận biết có dối trá hay không. Mỗi buổi cầu hồn, ông và khách tham dự có những biện pháp hoặc để ngăn ngừa không có giả mạo, hoặc để khám phá nếu có; ta không đề cập chúng ở đây nhưng nếu muốn, độc giả có thể tìm hiểu thêm trong sách Old Diary Leaves by H.S.Olcott
Mục đích nhắm tới của các Chân sư, là khiến thế giới lưu tâm đến cỏi vô hình qua hiện tượng đồng cốt, và sau đó đi tới triết lý giải thích sự việc. Thông linh học được các ngài hỗ trợ, vì nó được sự chú ý của những đâu óc trí thức và khoa học lúc bấy giờ, đây là tầng lớp mà các ngài muốn ảnh hưởng, với hy vọng họ có nghiên cứu khoa học vấn đề tâm linh. Để thực hiện việc này, nương theo cơ hội lúc bấy giờ HPB lập Société Spirite tại Cairo, nhưng chuyện không thành như ta đã thấy. Nay sang Hoa Kỳ HPB cố gắng lần nữa, khi có đồng cốt làm giả mạo hiện tượng, gạt người đến xem và bị phác giác làm dư luận sôi nổi, làm mất uy tín của thông linh học khiến nó bị cười chê, bà lên tiếng trên báo biện hộ cho những đồng cốt đứng đắn, và hiện tượng thực của họ tạo ra. Bà viết trong tập ký sự:
– Tôi được gửi tới nước này để trưng ra Chân Lý xuyên qua Thông linh học, và bổn phận của tôi là tỏ lộ nó là gì, cùng vạch rõ nó không là điều chi. Tôi e ngại không chừng đã tới đây quá sớm 100 năm trước khi thuận tiện, vì tình trạng hoang mang hiện giờ của tâm trí người, bởi có vẻ như mỗi lúc người ta mỗi quan tâm đến vàng hơn là đến chân lý, lời phản đối và nỗ lực yếu ớt của tôi sẽ không có ảnh hưởng nào. Dầu vậy, tôi luôn sẵn sàng để nhập cuộc trận chiến lớn lao, và chuẩn bị đầy đủ để chấp nhận bất cứ hậu quả nào có thể đến... Thông linh học với hình thức hiện giờ cần phải chấm dứt, không cho đi sâu hơn và hướng sang đường lối khác. Trong thế kỷ này, những huyễn tưởng và lý thuyết sai lạc của một số nhà thông linh học thật đáng xấu hổ...
‘Tôi được gửi từ Paris tới đây để chứng tỏ về các hiện tượng, rằng chúng là thực tại, và cho thấy sự sai lầm của lý thuyết thông linh học về 'linh hồn'. Nhưng làm cách nào để tôi có thể thực hiện việc ấy theo cách tốt nhất ? Tôi không muốn ai ai cũng biết, là tôi có thể tạo ra hiện tượng y như đồng cốt nhưng theo ý mình, vì tôi nhận được lệnh ngược lại. Tuy nhiên tôi phải giữ cho thực tại sống động trong tâm những ai theo duy vật, nay quay sang theo thông linh học, giữ vững tính chân thực và tính khả hữu của hiện tượng. Chỉ vì vài đồng cốt giả mạo và bị vạch trần, mà những người này có thái độ hoài nghi trở lại. Đó là lý do tại sao tôi đến dự những buổi cầu hồn, giúp Chân sư M và nhờ quyền năng của ngài làm hiện hình, tạo hiện tượng, khiến người theo thông linh học nói chung tin đồng cốt làm ra việc ấy... Tôi có làm sai chăng ?... nhưng tôi phải cứu vãn tình trạng... Thế giới chưa được chuẩn bị để hiểu triết lý của huyền bí học, trước hết hãy để họ tự xác quyết rằng có sinh linh trong thế giới vô hình, dù là "linh hồn" của người đã khuất hay tinh linh; và rằng có những quyền năng ẩn tàng trong con người, cái có thể biến họ thành Thượng đế trên mặt đất.
‘Khi tôi mất đi trên cõi đời này, có lẽ người ta sẽ nhìn nhận ra động lực vô tư lợi của tôi. Tôi đã hứa dành đời mình trợ giúp con người thấy được Chân lý, và tôi sẽ giữ lời. Hãy để xã hội cười chê và nhạo báng tôi, để có người gọi tôi là đồng cốt và theo thông linh học, và người khác gọi tôi là kẻ mạo danh. Sẽ tới ngày hậu thế hiểu tôi rõ hơn.
‘Chân sư M ra lệnh thành lập một hội, hội kín giống như hội Rosicrucian. Ngài hứa sẽ trợ giúp.’
Những lời này viết khoảng tháng 3 - 1875.
Tháng 6 - 75, thư của bà cho thân hữu có đoạn:
– Sắp tới lúc Thông linh học phải quét sạch những dẫn giải sai lạc, nhầm lẫn, những điều mê tín và ý tưởng dốt nát... Nó phải được trưng ra cho thấy như là một khoa học, một luật trong thiên nhiên... (mà không phải) sự đùa giỡn của lực và vật chất mù quáng.
Ngoài việc gây uy tín cho phong trào thông linh học bằng cách tạo hiện tượng ở những buổi cầu hồn và lên tiếng bênh vực đồng cốt chân chính, HPB còn viết bài cho báo chí New York về hiện tượng đồng cốt, việc siêu hình, hỗ trợ cho tạp chí về thông linh học qua bài viết và đóng góp tài chính. Bà chọn báo The Spiritual Scientist để góp sức, vì cho rằng nó khá hơn cả trong những tạp chí về thông linh học lúc bấy giờ. Có vẻ như ông Elbridge Gerry Brown, chủ bút tạp chí The Spiritual Scientist, được thí nghiệm là nhân vật thứ ba ngoài HPB và ông Olcott, cho việc phong trào Theosophia xuất hiện trở lại (ta nói "trở lại" vì phong trào này đã có từ lâu, và tái hiện đều đặn dưới hình thức này hay hình thức khác, trong thế kỷ 19 đó là hội Theosophia, và "thí nghiệm" vì sau đó ông Brown bỏ cuộc còn ông Olcott kiên trì). HPB và ông Olcott nhận được thư của các Chân sư đề nghị họ làm hai việc trên, và kêu gọi người ta mua báo năm để ủng hộ tạp chí. Tờ báo trong một khoảng thời gian từ tháng tư - 1875 đến tháng 9 - 1878, trở thành phương tiện cho nỗ lực của HPB, nhằm cải tổ thông linh học tại Hoa Kỳ, với việc đánh động khiến công chúng ý thức rằng khoa này cần một triết lý để giải thích hiện tượng. Tờ báo vỡ nợ tháng 9 - 1878, chẳng những thiếu HPB và ông Olcott một số tiền, mà ông Brown còn tạo sự bất hòa với hai vị.

Betanelly

Ta có đi trước thời gian một chút, nay trở lại năm 1875, bài viết của ông Olcott trên báo về hiện tượng ở trại Eddy có nhắc đến HPB, khiến một người Nga tên Michael C.Betanelly liên lạc với ông, ngỏ ý muốn được tiếp xúc với HPB. Ông bầy tỏ lòng ngưỡng mộ rồi sau một thời gian, muốn thành hôn với bà. HPB tin ông Nikifor Blavatsky đã qua đời, và nay mình là góa phụ do thư của Vera từ nhà cho biết, nhưng bà từ chối nhiều bận đề nghị của ông Betanelly. Ông Olcott nhận xét ông Betanelly trẻ tuổi hơn HPB, trình độ trí thức thấp hơn, nghề nghiệp chưa vững (thương nghiệp xuất nhập cảng của ông Betanelly chỉ mới lập), nên hẳn HPB phải điên mới nhận lời lập gia đình.
Tuy nhiên HPB giải thích là ông Betanelly theo đuổi bà quá mức, thề thốt rằng hết sức thán phục khả năng trí tuệ của bà, chỉ muốn được chăm lo bà mà không hề nghĩ có đời sống vợ chồng, khiến HPB cuối cùng tin lời và thuận theo, nhưng đặt điều kiện là bà vẫn giữ tên của mình, hoàn toàn độc lập về mọi mặt và không chịu một ràng buộc nào. Việc diễn ra khoảng tháng ba hay tư 1875 đến khoảng tháng 7 - 1875 cuộc hôn nhân tan rã, do việc ông Betanelly không giữ đúng những lời cam kết. HPB phân trần với ông Olcott rằng trọn câu chuyện không thể tránh được, ông Betanelly và bà có karma chung không sao tháo gỡ. Cuộc hôn nhân là sự trừng phạt cho lòng kiêu ngạo tệ hại và tính háo chiến, điều làm ngăn trở sự tiến hóa tâm linh của HPB. Ngoài ra còn một đề nghị giải thích sự kiện theo cách khác, bạn có thể đọc thêm trong những sách ở cuối bài.
Trong thời gian này nhiều hiện tượng xẩy ra quanh các nhân vật kể trên, xin ghi lại đây hai chuyện làm thí dụ. Ông Olcott nhận thấy nhà HPB không đủ khăn lau tay mới mua vải mang về, cắt thành khăn. HPB không viền mà để y vậy đem ra dùng. Khi ông Olcott phản đối thì HPB vui vẻ ngồi xuống lấy kim chỉ, nhưng mới bắt đầu thì chân bà đá mạnh dưới bàn và nói:
– Đồ điên, ra chỗ khác chơi.
– Chuyện gì thế ? ông Olcott hỏi. HPB đáp:
– Tinh linh kéo áo tôi muốn có việc để làm.
– Số dách ! ông Olcott reo lên, để nó viền khăn giúp mình bà dành làm chi, đường kim mũi chỉ của bà coi tệ quá.
HPB cười to và chê trách ông ăn nói không hợp tai chút nào. Ban đầu bà không thuận nhưng rồi xiêu lòng chịu nghe theo lời, bảo ông đặt khăn và kim chỉ vào tủ sách ở đầu kia gian phòng, khóa cửa kính của tủ lại. Ông làm y vậy xong trở lại ghế ngồi gần HPB, hai người trò chuyện đề tài bất tận mà họ ưa thích là huyền bí học. Chừng 15, 20 phút sau nghe có tiếng chít nhỏ như chuột kêu ở dưới bàn, HPB bảo rằng "vật quái quỷ" (a nuisance) đã làm xong khăn, ông mở khóa cửa tủ sách thấy quả thực 12 khăn đã được viền xong, đường chỉ vụng dại như của trẻ nhỏ mới học may. Lúc đó trời sáng rõ khoảng 4 giờ chiều, và trong lúc việc diễn ra HPB ngồi một chỗ không hề đến gần tủ.
Chuyện thứ hai là do công việc, ông Olcott từ New York đến Philadelphia và ngụ nơi đó vài ngày, ông ra bưu điện Philadelphia để xin chuyến thư từ New York về địa chỉ ở Philadelphia, chiều cùng ngày ông nhận được thư thẳng từ tay người phát thư. Bình thường lá thư có hai con dấu, một của bưu điện nơi nhận thư và một nơi phát thư, khi có chuyển thư như yêu cầu của ông Olcott thì trên thư sẽ có ba con dấu, một sẽ là nơi thư gửi đi, hai là dấu nhận của New York và ba là dấu của Philadelphia nơi thư được chuyển về. Tuy nhiên những thư trên tay ông chỉ có một là chỗ gửi thư, mà không có dấu New York. Làm sao nhân viên bưu điện biết ông đi Philadelphia để chuyển thư. Chưa hết, khi mở thư ông thấy bên lề và ở những khoảng trống của thư, có lời nhận xét về nội dung thư và người viết.

Miracle Club

Nỗ lực thứ ba của các Chân sư và HPB, trong việc giảm bớt khuynh hướng duy vật là qua ông Olcott, thành lập một hội chuyên nghiên cứu về phép lạ, mang tên "The Miracle Club" vào tháng 5 - 1875. Theo ông dự định của hội là thu hút người có thành đạt trong khoa học và những ngành khác, chọn lọc hội viên trong số người nộp đơn, để bảo đảm với công chúng là việc nghiên cứu của hội đáng tin. Mọi hiện tượng, hiện hình sẽ diễn ra ở chỗ sáng sủa không có tủ nào.
HPB ghi nhận xét về tin này trong tập ký sự:
– Được lệnh khởi sự cho công chúng hay sự thực về hiện tượng và đòng cốt. Nay tới lúc tử vì đạo! Tất cả ai theo thông linh học sẽ chống lại tôi, cộng thêm với tín đồ Thiên chúa giáo và kẻ hoài nghi. Xin cho ý Chân sư được trọn.
Khó khăn mà HPB phải đối đầu và đau khổ phải gánh chịu hiển nhiên sẽ đến, vì theo quan điếm của phong trào thông linh học, HPB tạo hiện tượng khuyến khích mọi người tin có thế giới vô hình, người chết trở về và nay quay 180 độ, tuyên bố rằng đó không phải là linh hồn người đã khuất, tất cả do tinh linh mà ra và ta chớ nên cầu hồn! Nhưng ta nên nhớ rằng tuy sinh ra hiện tượng, bà không hề nói đó là người chết thực sự trở về.
HPB nói rằng đó là lý do tại sao Ấn giáo và Phật giáo khuyến cáo về những ảnh hưởng tai hại, của việc liên lạc với người đã khuất. Ngoài ra một lý do căn bản mà MTTL không khuyến khích việc có tiếp xúc giữa người sống và ai qua đời, là hành động ấy lôi cuốn người sau vào thế giới của chúng ta với bao đau khổ, tàn bạo, khiến đời sống sau khi chết trở thành địa ngục mà không phải là thiên đàng. Linh hồn cần sự bình an và ngơi nghỉ về mặt tâm linh giữa hai kếp sống. Tuy nhiên nó không có nghĩa là chúng ta bị cắt đứt hoàn toàn với thân nhân đã chết, bà viết:
– Chúng ta ở gần với họ lúc này hơn bất cứ khi nào lúc họ còn tại thế... vì tình thương thanh khiết tuy phát xuất tự tâm người nhưng có gốc rễ từ sự hằng hữu... Tình thương sau khi ai qua đời, có mãnh lực thiêng liêng và kỳ lạ tác động lên người còn sống, dù bạn cho đó là huyễn tưởng. Nó thể hiện trong giấc mơ của ta và thường khi qua những sự việc khác nhau, như có sự che chở và thoát hiểm lạ lùng, bởi tình thương là cái mộc bảo vệ mạnh mẽ không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Nhân quả sẽ mang lại với nhau những ai thương yêu nhau, có tình thân ái tinh thần để tái sinh lần nữa vào cùng gia tộc.
Giống như Société Spirite tại Cairo, Miracle Club mướn người đồng để làm hiện tượng nhưng cũng không thành. Tối ngày 7 - 9 - 1875 có buổi họp mặt thân hữu tại nơi cư ngụ của HPB, bàn về những hiểu biết cổ xưa đã thất truyền của Ai Cập, ông Olcott nẩy ra ý nghĩ lập một hội để theo đuổi việc tìm hiểu và quảng bá hoạt động như vậy, ông viết giấy nhờ ông Judge trao cho HPB đọc, bà gật đầu đồng ý nên ông đứng lên trình bầy. Mọi ngươi chấp thuận và sau những thủ tục là tới việc chọn tên hội. Chuyện kể rằng một trong những người hiện diện, tìm trong tự điển được chữ "Theosophy" và nó được dùng làm tên hội, nhưng ta cũng có mặt khác của chuyện. Ấy là chữ "Theosophy" đã được HPB dùng từ tháng 2 - 1875 trong thư gửi cho thân hữu, và vào tháng 7 - 1985 bà ghi trong tập ký sự:
– Nhận lệnh từ Ấn Độ chỉ thị việc lập một hội triết lý - tôn giáo và chọn tên cho nó.
Những buổi họp kế tiếp được dành cho việc bầu ban chấp hành, với ông Olcott được chọn làm hội trưởng, thảo nội quy, chọn nơi họp, nhận hội viên và tới ngày 17 - 11 - 1875 với bài diễn văn khai mạc của ông hội trưởng, hội được chính thức thành hình.

Lý Do Thành Lập Hội

Nhiều năm về sau ông Olcott lưu ý hội viên là khi ấy, hội không có ba mục đích như ta biết ngày nay, tình huynh đệ đại đồng không được nêu ra, vì ý tưởng lập hội phát sinh từ bài nói chuyện tối ngày 7 - 9 - 1875 ghi ở trên. Xét về mọi mặt thì hội phát triển dần dần, tùy theo hoàn cảnh và những lực đối nghịch, đường hướng chung vẫn giữ, động lực hướng dẫn vẫn y vậy nhưng chương trình được thay đổi, mở rộng và cải thiện theo với kinh nghiệm và có hiểu biết hơn. Chương trình được hoạch định sẵn, nhưng chi tiết để cho người trong hội tự soạn theo khả năng của mình. Tới năm 1878 tình huynh đệ đại đồng mới trở thành một mục đích của hội.
Vậy thì lúc ban đầu hội được xem như là tổ chức thu thập và truyền bá hiểu biết, tư tưởng triết lý cổ xưa và MTTL, nghiên cứu bí truyền. Đó là mục tiêu của đa số người hiện diện trong buổi tối thành lập hội, tuy nhiên còn một mục tiêu khác chỉ HPB biết mà giữ kín, phải đến năm 1886 mới ghi cho mọi người rõ:
1. Tạo một tình huynh đệ đại đồng không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, phái tính, giai cấp hay mầu da.
2. Khuyến khích việc học hỏi và đối chiếu Tôn Giáo, Triết Lý và Khoa Học.
3. Học hỏi những triết lý của đông phương, chính yếu của Ấn Độ và từ từ trình bầy nó cho công chúng, qua sách vở giải thích các tôn giáo công truyền theo hiểu biết từ những chỉ dạy bí truyền.
4. Đối kháng lại chủ trương duy vật và óc tín điều về thần học bằng mọi cách, qua việc biểu diễn sự hiện hữu của những lực huyền bí mà khoa học không biết trong thiên nhiên, và sự hiện diện những quyền năng tâm linh và tinh thần trong con người. Cùng lúc ấy nỗ lực mở rộng quan điểm của người thông linh học, bằng cách cho họ thấy rằng còn có nhiều tác nhân khác sinh ra hiện tượng, ngoài 'vong linh' của người chết. Mê tín phải được phơi bầy và tránh hẳn, và biểu diễn bằng trọn khả năng của chúng tôi, cho thấy những lực huyền bí - lành và không lành - hằng bao quanh chúng ta, và lộ ra sự hiện diện của chúng bằng nhiều cách.
Năm 1886, trong thư cho một hội viên ông Hartmann HPB thêm nhiều chi tiết khác:
– Tôi được chủ tâm gửi đến Hoa Kỳ và trại gia đình Eddy. Ở đó tôi gặp ông Olcott rất mê say với chuyện về vong linh, và về sau quí yêu Chân sư nòng nhiệt y như vậy. Tôi được lệnh làm cho ông hiểu, là những hiện tượng thông linh mà không có triết lý bí truyền đi kèm, thì đầy nguy hiểm và sai lạc. Tôi chứng tỏ cho ông thấy, rằng tất cả những gì người đồng có thể làm qua vong linh, thì người khác có thể tự ý làm mà không cần vong linh nào cả; rằng ai trong thể xác mà có khả năng sử dụng những phần của thể tình cảm, sẽ có thể sinh ra tiếng chuông, đọc được ý nghĩ, tạo tiếng gõ và hiện tượng vật chất, và tôi có khả năng ấy từ hồi bốn tuổi như gia đình tôi biết rành. Tôi có thể làm cho bàn ghế chuyển dịch, và khiến đồ vật có vẻ như biết bay, cánh tay bằng thể tình cảm của tôi cầm những vật ấy, nhưng không ai thấy vì vô hình. Những điều này diễn ra ngay cả trước khi tôi gặp Chân sư.
‘Tôi nói cho ông Olcott hết mọi điều, bảo ông rằng tôi có biết các vị Chân sư, Đạo sư không những ở Ấn Độ và quá Ladakh, mà còn ở Ai Cập, Syria, vì ngày nay vẫn có các Chân Sư nơi ấy. Lúc bấy giờ danh hiệu 'Mahatma' của các ngài chưa được biết, vì nó chỉ được gọi như thế ở Ấn Độ. Các Chân sư được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau tùy theo các nơi, thường không lên tiếng, tránh ra mặt, giữ kín sinh hoạt và chưa hề tỏ lộ chính mình cho ai khác trừ phi họ làm như tôi đã làm, là trải qua bẩy hay mười năm thử thách, chứng tỏ hết lòng tuyệt đối và giữ kín miệng, ngay cả khi có thể gặp cái chết và bị đe dọa sẽ mất mạng. Tôi làm tròn những điều kiện và tôi trở thành như ngày nay...
‘Trọn cái tôi được phép nói là - chân lý. Bên kia dãy Hy Mã Lạp Sơn có một trung tâm, gồm nhiều Chân sư thuộc các quốc gia khác nhau, và vị Ban Thiền Lama (Teschu Lama) biết các ngài. Tất cả các ngài cùng nhau làm việc, một số vị hành động chung với đức Ban Thiền Lama, nhưng các vị lama trung bình mà đa số là người dốt nát, không biết con người thật của các ngài. Thầy của tôi và đức K.H. cùng một số vị tôi quen biết rõ, sống nơi ấy. Tất cả các ngài thường xuyên tiếp xúc với những Đạo sư tại Ai Cập và Syria, ngay cả ở Âu châu.
‘Tôi là người đầu tiên tại Hoa Kỳ làm cho công chúng biết về sự hiện hữu của các Chân sư, và trưng ra danh hiệu đáng quí trọng của hai vị trong đại đoàn huynh đệ, mà từ xưa đến nay Âu châu và Mỹ châu không biết, ngoại trừ một số Đạo sư mà thời nào cũng có. Những danh hiệu ấy được xem là thiêng liêng và đáng tôn kính trong khắp phương đông, đặc biệt ở Ấn Độ.
‘Thầỵ gửi tôi đến Hoa Kỳ để xem có thể làm gì, hầu ngăn chặn khoa bói toán và tà thuật, được người thông linh học thực hiện một cách vô thức. Tôi được mang đến gặp ông Olcott để làm thay đổi tư tưởng của ông, và tôi thực hiện được việc ấy. Hội được thành lập rồi từ từ được làm cho hòa theo những chỉ dạy của triết lý bí truyền, thuộc trường phái lâu đời nhất về ngành này trong trọn thế giới, một trường phái cải tổ mà cuối cùng đức Phật xuất hiện. Những chỉ dạy này không thể cho ra một cách đột ngột, mà phải được gieo dần dần vào tâm.’
Ông Olcott tin rằng nếu hội Theosophia không thành công, thì sẽ có những người khác được sử dụng làm việc tương tự, giống như ông được cho cơ hội khi Socỉété Spirite tại Cairo tan rã năm 1871. Nhìn theo cách đó thì từ năm 1871, đã có nhiều nỗ lực bằng cách này hay cách kia sinh ra một tổ chức nhằm trình bầy MTTL, kể ra như sau:
– Société spirite, Cairo, 1871.
– Tạp chí The spiritual Scientist, New York, 1874.
– The Miracle Club, New York, 1875.
Cả ba vì lý do này hay kia bị thất bại, phải đến nỗ lực lần thứ tư là hội, New York, 1875 mục tiêu mới đạt được.
Đó là về phần hai vị sáng lập làm việc cho Chân sư. Nay về các ngài thì năm 1882, đức M viết về sự thành lập của hội:
Một hay hai chúng tôi hy vọng rằng thế giới đã tiến khá xa về trí tuệ, nếu không phải là cũng tiến về trực giác, nên triết lý bí truyền có thể được giới trí thức chấp nhận, và nên có động lực mở một chu kỳ mới về việc nghiên cứu huyền bí. Những vị khác nghĩ khác, mà nay ý kiến đó thấy là khôn ngoan hơn, nhưng có đồng ý làm thử. Dầu vậy một điều kiện đặt ra là cuộc thử nghiệm phải độc lập với việc làm của chúng tôi, và không được có sự can thiệp bất thường của chúng tôi.
Thế thì khi đi tìm người phụ tá, chúng tôi tìm được ở Hoa Kỳ người có tư cách lãnh đạo, một người có sự can đảm đạo đức lớn lao, không ích kỷ, và những đức tính khác. Ông không phải là người toàn hảo nhất nhưng là ứng viên tốt đẹp nhất có được. Chúng tôi cho liên kết với ông một phụ nữ có những khả năng tuyệt diệu hết sức khác thường. Ngoài các điều này bà có một số khuyết điểm riêng đáng kể, nhưng không có người thứ hai nào ngoài bà thích hợp cho phần việc.
Chúng tôi gửi bà đến Hoa Kỳ, mang hai người lại với nhau và cuộc thử nghiệm khởi sự. Ngay từ phút ban đầu, cả ông và bà được cho hiểu rõ rằng công chuyện hoàn toàn nằm trong tay họ, và cả hai dâng hiến trọn con người cho cuộc thử nghiệm, để đổi lại phần thưởng trong tương lai xa thẳm, giống như người lính tình nguyên cho cái Vô Phương Hy Vọng (Forlorn Hope) như đức K.H. nói.
Đức K.H. đưa giải thích sau, năm 1880 và 1881:
Những vị lãnh đạo muốn có 'tình Huynh Đệ trong Nhân Loại', một tình Huynh Đệ Đại đồng thật sự được khởi đầu, một tổ chức làm cả thế giới biết đến nó và những tâm hồn cao cả nhất phải chú ý... Cơn sóng hiện tượng đang tràn dâng hiện nay với những ảnh hưởng thay đổi trên tư tưởng và tình cảm người, khiến cho việc làm sống lại sự tìm hiểu về MTTL trở thành nhu cầu không thể không có. Vấn đề duy nhất phải giải quyết là mặt thực tế, làm sao đẩy mạnh việc nghiên cứu cần thiết, và cho phong trào thông linh học động lực nó cần để tiến lên. Điều tôi muốn nói về Vô Phương Hy Vọng là khi ta nhìn ngắm mức độ to lớn của phần việc, mà những người tình nguyện trong phong trào MTTL đảm trách, và nhất là vô số những tổ chức ra mặt chống đối, ta có thể xem nó như nỗ lực tuyệt vọng chống lại rủi ro kinh hồn, mà người lính chân chính gắng sức thực hiện.
Ta chấm dứt phần nói về việc thành lập hội, bằng lời giới thiệu một nhân vật khác quan trọng cho hội về sau tại Hoa Kỳ, là William Quan Judge. Ông gốc người Ái Nhĩ Lan, sinh năm 1851 hành nghề luật sư tại New York từ năm 1872, và hiện diện trong những ngày đầu lập hội. Khi ấy sự có mặt của ông không được chú ý, cũng như ông không có hoạt động gì đáng nói cho hội trong nhiều năm đầu, nhưng ông lặng lẽ chờ đợi, trung thành giữ cho ngọn lửa tinh thần âm ỉ cháy tại Hoa Kỳ sau khi hai vị sáng lập đi Ấn Độ, và khi thuận tiện làm cho nó bừng sáng rực rỡ. Ông có đặc tính vô úy (không sợ hãi), kiên tâm không mệt mỏi và do đó đã một tay gầy dựng hội tại Hoa Kỳ từ 1884, không có ai trợ giúp mà được thành công lớn lao.

CHƯƠNG VII
Isis Unveiled

Sau khi lập trại gà lấy trứng không thành, tháng 11 - 1874 HPB về ngụ ở New York số 16 Ivring Place, nơi đây bà tạo một số hiện tượng cho ông Olcott và được ông ghi lại:
–...như tay không đụng vào bàn mà làm cho bàn nghiêng, hay có tiếng gõ trên bàn khi mạnh khi nhẹ, với tay bà để trên cao cách bàn chừng 15cm, hay đặt tay lên bàn tay tôi áp xuống mặt bàn. Hôm khác trên đường từ sở về nhà tôi mua một quyển vở để ghi chép, và khi đến nhà tôi cho bà xem và nói ý định của tôi. Khi ấy bà đang ngồi còn tôi thì đứng. Bà không đụng cuốn tập hay làm bất cứ dấu hiệu huyền bí nào, mà bảo tôi cất quyển vở vào người. Tôi làm y lời và sau một lát bà kêu tôi lấy nó ra xem. Tôi thấy có hàng chữ viết ở trang đầu tiên bằng bút chí và một hình vẽ. Quyển tập đang nằm trên bàn khi tôi ghi lại chuyện này. Cái đáng nói là không có ai trừ tôi đã đụng tay vào vở sau khi mua nó, cất nó trong túi cho tới khi lấy ra để HPB xem, đứng cách bà gần một thước, cất nó lại vào người và chỉ lấy ra vài phút sau khi được kêu làm vậy. Chữ viết và hình vẽ bằng bút chì được viết ra khi cuốn tập nằm bên trong áo tôi.
'Từng chút từng chút một, HPB cho tôi biết về sự hiện diện của các đạo sư đông phương và quyền năng của các ngài, tạo ra nhiều hiện tượng chứng minh là bà kiểm soát được những lực huyền bí của thiên nhiên.’
Hội đã thành lập nhưng trong những năm đầu tại New York, hoạt động rất ít không có gì đáng kể. Trong thời gian này việc gây chú ý nhất là bộ Isis Unveiled được xuất bản. Tuy HPB viết nhiều bài về hiện tượng siêu hình đăng trên báo chí tại New York, nhưng Isis là cơ hội cho người đời biết đến khả năng văn chương và hiểu biết về huyền bí học của bà. Trọn bộ 2 cuốn dầy hơn 1.200 trang và vẫn còn tiếp tục được phát hành hiện nay, do ba nhà xuất bản khác nhau ấn hành. Nội dung của sách phong phú đến nỗi từ ngày sách ra đời, người ta thường ngạc nhiên về sự hiểu biết uyên thâm của tác giả, ông Olcott là người thân cận với HPB cũng thắc mắc, là bà đột nhiên tỏ ra thông thạo nhiều vấn đề ghi trong sách, nên viết một thư dài bằng tiếng Pháp gửi cho bà dì Nadya ở Nga, hỏi về mức học vấn của HPB. Thư trả lời ngày 8 - 5, 1877 viết:
– Helena được giáo dục theo cách dành cho thiếu nữ trong gia đình nề nếp, được dạy dỗ chu đáo nhưng không nhằm có kiến thức sâu rộng thành học giả. Ông hỏi Helena biết những ngôn ngữ gì. Từ lúc nhỏ ngoài tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ, Helena chỉ biết thêm Anh và Pháp ngữ. Về sau trong những lần du lịch Âu châu Helena học thêm một chút tiếng Ý. Lần chót tôi gặp Helena là cách đây 4 năm, và tôi đoan chắc với ông đó là những thứ tiếng Helena thông thạo, về chuyện Helena tỏ ra thông thái không lường được 4 năm sau, trước đó không hề có dấu hiệu mà cũng không có chút hứa hẹn nào.
Tự HPB thì nói rằng bà được chân sư chỉ dạy, và trích lời Montesquieu nói bóng bẩy rằng công lao của mình, nếu có, trong những bộ sách chỉ là việc đóng góp sợi dây, kết nhiều bông hoa thành bó hoa tuyệt sắc dâng hiến cho đời. Mà còn hơn thế nữa, ta sẽ thấy về sau bà được sử dụng như máy đánh chữ, qua đó ghi lại những điều các chân sư muốn truyền đến thế giới. Để thực hiện được việc ấy, có vẻ như HPB trải qua một cuộc thay đổi tâm thức lạ lùng, vào cuối tháng ba 1875 trước khi hội thành lập. Là người sống cạnh HPB ông Olcott ghi nhận điều này, còn HPB nói về sự việc trong thư gửi cho em gái là Vera:
– (Khoảng đầu năm 1875) chị cảm thấy trong người có hai bản ngã (duality) rất kỳ lạ. Nhiều lần trong ngày chị cảm thấy cạnh mình có một ai khác, tách biệt hẳn với chị, hiện diện trong thân xác mình. Chị không hề mất ý thức về cá tính của mình, cái chị cảm thấy là dường như chị giữ yên lặng và người khác - người ở trong thân chị - nói bằng miệng lưỡi của chị. Chẳng hạn chị biết mình chưa hề tới những nơi chốn mà 'cái tôi khác' của chị mô tả, nhưng cái tôi này - cái tôi thứ hai - không nói láo khi nói về nơi chốn và những điều chị không biết, vì nó thực sự đã thấy và biết rõ các điều ấy rồi. Chị đành bỏ mặc, phó cho số mạng định đoạt theo ý nó vì tính ra, chị làm gì được bây giờ ? Chuyện sẽ rất kỳ quặc nếu chị bác bỏ hiểu biết mà cái tôi thứ hai bảo là nó có, nên có lúc người chung quanh nghĩ rằng chị giữ kín không nói họ nghe là vì khiêm nhượng.
‘Ban đêm một mình trên giường, trọn cuộc đời của cái tôi thứ hai diễn ra trước mắt chị, và chị không thấy mình chút nào mà thấy một người khác hẳn - về chủng tộc lẫn cảm xúc. Nhưng nói về chuyện đó thì có ích gì ? Biết không cũng đủ điên rồi. Chị ráng làm quen với tình trạng và quên đi sự kỳ lạ của nó. Đây không phải là chuyện đồng cốt hay ảnh hưởng không hay, mà nó cao vượt bực đưa ta đến chuyện tốt lành.’
Sau đó HPB cho gia đình hay về nhân vật thứ hai này tức thầy của mình:
– Chị thấy vị thầy Ấn Độ này hằng ngày y như gặp gỡ bất cứ người sống nào, chỉ có cái khác biệt là trông ngài thanh nhẹ và trong suốt hơn. Khi trước chị giữ yên không nói gì về những lần ngài xuất hiện, cho đó là huyễn ảnh nhưng nay người khác cũng thấy được hình ảnh của ngài. Ngài xuất hiện và cho ý kiến về cách làm việc, cách viết. Thấy rõ là ngài biết mọi chuyện gì đang xẩy ra, ngay cả tư tưởng của người khác và khiến chị biểu lộ sự hiểu biết của ngài. Đôi khi chị thấy như ngài phù trợ trọn con người của chị, đi vào người chị thật giản dị như hương trong không thấm qua chân lông và tan biến vào người. Lúc đó cả hai có thể nói chuyện với người khác, và khi ấy chị bắt đầu hiểu và nhớ các khoa học và ngôn ngữ -  tất cả những gì ngài chỉ dạy chị, ngay cả khi ngài không còn ở cạnh chị nữa.
Có vẻ như nguồn cảm hứng không phải chỉ phát xuất từ các vị thầy của HPB, mà lúc khác bà cho Vera hay:
– Không phải người nói và viết sách là chị mà là một cái gì khác bên trong chị, cái chân ngã sáng chói cao hơn, là cái nghĩ và viết cho chị.
Ban đầu gia đình rất kinh sợ khi đọc thư của HPB. Vera thuật lại trong bài báo (1891) viết sau khi HPB đã qua đời:
– Chị tôi làm gia đình ngạc nhiên với những chuyện dự tính lập hội 'Tình Huynh Đệ Đại Đồng', về học hỏi triết lý cổ truyền đông phương, về chị đã bắt đầu viết bộ sách lớn (Isis Unveiled). Tôi vẫn còn nhớ như thế mới xẩy gần đây là gia đình ngẩn ngơ ra sao với tin đó. Thật tình tôi không biết phải nghĩ thế nào, làm sao giải thích mơ tưởng viễn vông ấy... Mới đầu gia quyến không tin chúng tí nào, và trong một thời gian dài về sau thân nhân nghi ngờ chuyện viết lách của chị, nói thật ra tin rằng chúng là chuyện giả mạo và lừa bịp!... Tôi luôn luôn biết chị tôi thông minh có khả năng, nhưng đột nhiên viết về một khoa như vầy, mãi cho tới gần đây tôi vẫn sợ là chị đã mất trí... Tôi chỉ nhẹ người một chút khi thỉnh thoảng Helena Petrovna gửi cho tôi những bài của chị mà báo chí Hoa Kỳ đã đăng cùng với lời bình luận trên báo, chúng làm tôi yên lòng là không cần phải đưa ngay chị vào dưỡng trí viện.
Nói về Vị thầy của HPB, Vera viết:
– Chị là người không hề chịu khuất phục ai, ngay từ hồi nhỏ chỉ một mực làm theo ý mình trong mọi chuyện, đột nhiên chị tìm ra một đấng, một vị mà chị lặng lẽ tùng phục ý chí của ngài ! Mà lại là người như thế nào chứ ! Người biết huyền thuật, người Ấn Độ bên bờ sông Hằng như trong chuyện thần thoại ! Tôi không hiểu gì hết !... Tôi phải thú thật là tới ngày nay tôi vẫn chưa hiểu. Dù tôi đến thăm chị luôn, gần như hằng năm trong năm năm qua, mỗi lần ở nhà của chị vài tháng, tôi hiểu rất ít về tất cả những lời giải thích hăng hái của chị. Ngày nay (1891) cũng như là 15 năm về trước, tôi ngạc nhiên lạ lùng đối với hiện tượng không giải thích được, là óc thông thái uyên thâm tự nhiên mà có của chị, hơn là với tất cả những chuyện tuyệt vời mà người trong hội gán cho chị.
Isis được khởi soạn trước khi thành lập hội. Ông Olcott viết lại (A):
– Không có gì xẩy ra một cách tự nhiên, và không kèn không trống hơn cái khởi đâu của bộ Isis, một hôm vào mùa hè 1875, HPB cho tôi xem vài tờ bản thảo và nói:
– Tôi viết bài tối qua "theo lệnh" nhưng thật tình không biết là để làm chi. Có thể là cho bài gửi đăng trên báo, hay viết thành sách, hay chẳng là gì cả. Ra sao thì ra, tôi chỉ tuân theo lệnh mà làm.
Và bà cất tập giấy vào ngăn kéo, không đề cập tới nó trong một thời gian lâu. Vào tháng 9 – 1875, bà đến chơi nhà hai người bạn mới của mình là giáo sư Corson dạy đại học Comell và vợ ông, và tiếp tục viết sách ở đó. Bà gửi thư cho tôi, nói rằng nó sẽ là cuốn sách về lịch sử và triết lý của các học phái đông phương, và sự liên hệ của chúng với các học phái của thời đại chúng ta. Bà bảo sẽ viết về những môn mà bà chưa hề học, và trích dẫn từ những sách chưa hề đọc trong đời. Về điểm này để kiểm lại sự chính xác của bà, giáo sư Corson đã so sánh những câu trích dẫn của bà với các tác phẩm cổ điển của thư viện đại học, và thấy là chúng đúng thực.
Nhờ các khám phá sau này, về tài liệu thuộc giáo sư Corson lưu trữ tại đại học Comell, chắp nối lại ta được biết rõ thêm sự việc. Lúc đó giáo sư Corson dạy tại đại học Comell, về một số mặt ông được xem là vị giáo sư quan trọng nhất mà đại học Cornell đã có từ trước đến nay, rất có tiếng về bài giảng và bài viết của ông về văn chương Anh. Khi con gái đột ngột qua đời lúc 16 tuổi vào tháng 7 năm 1874, sự đau khổ khiến ông chú ý đến thông linh học (spiritualism) và mời HPB đến nhà ở Ithaca, New York để nhờ bà tiếp xúc với con gái. Bà tới đây khoảng tháng chín 1875, ông hy vọng bà sẽ mở buổi cầu hồn, tuy nhiên chẳng những bà không thuận, mà còn khăng khăng chống lại bất cứ việc gì liên quan đến chuyện tiếp xúc với người đã khuất. Con trai giáo sư kể rằng:
– HPB dành hết thì giờ ngồi ở bàn viết, viết hoài, viết mãi, viết trọn cả ngày lẫn đêm thư từ liên lạc với người khác bằng tay. Chính ở nhà của ba tôi mà HPB bắt đầu bộ Isis Unveiled, mỗi ngày viết khoảng 25 trang lớn đặc kín. Bà không có sách để tham khảo, thư viện rất lớn của ba tôi gần như chỉ toàn là sách về văn chương Anh... và bà ít khi hỏi ý kiến ông về bất cứ chuyện gì.
Trong một cuộc phỏng vấn, giáo sư Corson xác nhận điều này:
– Bà luôn làm tôi kinh ngạc lạ lùng về việc gì sẽ tới. Bà có hiểu biết thâm sâu về đủ thứ chuyện, và cách làm việc của bà rất khác thường. Bà viết trong giường từ 9 giờ sáng, hút không biết bao nhiêu điếu thuốc lá (200 điếu một ngày), trích y nguyên văn nhiều đoạn dài từ hằng chục cuốn sách, mà tôi biết rất chắc là khi ấy ở Mỹ không có cuốn nào, dịch dễ dàng từ nhiều ngôn ngữ, và thỉnh thoảng gọi to cho tôi đang ngồi trong phòng làm việc của mình, để biết cách viết sang tiếng Anh cho đúng một thành ngữ cổ nào đó, vì lúc ấy bà chưa viết thông thạo như về sau thấy trong bộ The Secret Doctrine.
Cháu ngoại của giáo sư Corson nhớ là nghe ông ngoại bảo không hiểu sao HPB có được các con số, nhưng chẳng bao lâu, cả nhà thấy là có một bàn tay ốm mầu nâu của người Ấn Độ, từ dưới bàn vươn ra viết xuống điều gì bà cần, mà khi kiểm lại thì luôn luôn đúng. Nói về những đoạn mà HPB trích dẫn trong bộ Isis, ông nhận xét là:
– Chính bà cho tôi hay là viết chúng lại khi sách hiện trước mắt bà ở một cõi khác, bà luôn luôn thấy rõ ràng trang sách và đoạn trích dẫn bà cần, chỉ việc dịch cái bà đọc sang Anh văn... Điều chắc chắn là hằng trăm cuốn sách mà bà trích không có trong thư viện của tôi, nhiều quyển không có ở Mỹ, một số rất hiếm và khó mà kiếm thấy ở Âu châu, còn nếu bà trích từ ký ức của mình, thì đó lại là chuyện đáng kinh ngạc hơn là viết ra cái bà thấy ở cõi vô hình. Chuyện bà làm thật là tuyệt vời, mà ai suy nghĩ theo lối thường hẳn sẽ thấy lạ lùng với lời giải thích.
Nhiều năm về sau, khi được hỏi là trong số những người đáng chú ý mà ông đã gặp ai là người nổi bật nhất, ông bảo đó là bà Blavatsky. Một tháng sau bà rời nhà giáo sư Corson, quay về New York tiếp tục viết bộ Isis 17 tiếng một ngày, ngồi nhà cả sáu tháng liền không đi ra phố.
Khi soạn xong, Isis cần người viết danh mục (Index) và theo lời đề nghị của nhà xuất bản, ông Olcott mời giáo sư Alexander Wilder đảm nhận việc này. Ông Wilder là triết gia tiếng tăm lúc bấy giờ, vào năm 1908 trong bài mang tựa đề 'How Isis Was Written' ông viết:
– Đó quả là tài liệu đồ sộ, cho thấy có nghiên cứu trong lãnh vực thật rộng rãi, đòi hỏi công lao khó nhọc lẫn sự thông thạo nhiều đề tài khác nhau. Bản thảo là kết quả của việc tìm tòi lớn lao, có tính cách mạng đối với lối suy nghĩ đương thời... Đại tá Olcott rất muốn tôi làm quen với bà Blavatsky, tôi đắn đo một lúc lâu rồi cùng ông đến nơi hai vị cư ngụ ở đường 47... Bà có cung cách và hình dạng không giống như tôi tưởng, người cao nhưng không rắn rỏi, gương mặt có dấu vết và biểu lộ đặc tính của người đã đi nhiều nơi, thấy nhiều việc, suy nghĩ và kinh nghiệm lắm điều... Bà trò chuyện vô cùng khéo léo, thành thạo mọi việc mà chúng tôi thảo luận. Bà nói Anh văn trôi chảy, như cách của người hoàn toàn quen thuộc với nó và suy nghĩ bằng ngôn ngữ đó. Đối với tôi, nói chuyện với bà thì cũng y như với bất cứ thân hữu nào của tôi....
'Sau khi sách được in ra và phát hành, có tranh luận về ai thực sự là tác giả sách. Nhiều người không muốn nhìn nhận rằng bà Blavatsky có đủ hiểu biết, hay có khả năng trí tuệ để viết ra tác phẩm như vậy. Có người cho rằng tôi mới đúng là tác giả... không ai quen thuộc với lối viết văn của tôi lại có thể tin rằng tôi là người viết Isis Unveiled.'
Về phần HPB, bà giải thích:
– Bộ Isis chứa đựng khối lớn tài liệu nguyên thủy chưa hề được tiết lộ về các đề tài huyền bí, tôi bênh vực tư tưởng và chỉ dạy trong sách mà không sợ bị cho là kiêu ngạo, vì cả tư tưởng và chỉ dạy đều không phải là của tôi như tôi vẫn hằng tuyên bố. Tôi khẳng định là cả hai có giá trị to tát nhất, cho người có khuynh hướng thần bí và người học hỏi MTTL.
Isis xuất bản tháng 9, 1877 gồm 2 cuốn tổng cộng hơn 1200 trang chữ nhỏ, gây tiếng vang lớn lao mà cũng tạo nhiều kẻ thù cho HPB. Bà biết trước điều này qua lời giới thiệu ở đầu sách:
– Người Thiên chúa giáo sẽ thấy, là sách đặt câu hỏi về những chứng cớ cho rằng tín điều của họ đúng thật... Sách không có chữ nào chống đối lời dạy chân chính của đức Jesus, nhưng tố cáo không nương tay việc hạ thấp chúng thành hệ thống tín ngưỡng sai lạc, gây hại cho niềm tin của con người vào chuyện bất tử và Thượng đế, cùng phá hại mọi kềm chế về mặt đạo đức... Sẽ có nhiều người chỉ trích ngay thẳng mà cũng có nhiều phê bình tàn tệ, nhưng chúng tôi nhìn vào tương lai, chúng tôi làm việc cho một ngày mai tươi sáng hơn.
Sách là thành công tức thì, báo chí viết rằng mức sách bán là chuyện chưa hề có trước đây cho loại sách như thế, trọn ấn bản 1000 cuốn bán hết trong vòng 10 ngày sau khi phát hành, vượt quá sự mong đợi của nhà xuất bán. Nhiều đợt tái bản tiếp theo sau đó cũng như vẫn còn tiếp tục đến ngày nay. Quyển đầu có tựa là Khoa Học (Science), quyển thứ hai là Thần Học (Theology). Từ đây tới lúc cuối đời HPB sinh sống bằng ngòi bút của mình, bà viết bài viết chuyện, dịch chuyện đăng báo tại Hoa Kỳ, Nga. Lợi tức ít ỏi nhưng bà theo sát chủ trương của mình, cũng như hết sức rộng rãi với người khác như ta sẽ biết về sau. Khi thấy Isis thành công lớn, nhà xuất bản rất hài lòng nên đề nghị bà viết một cuốn khác tiếp theo, và chịu ứng trước một số tiền đáng kể, dẫu lúc đó rất cần tiền nhưng HPB từ chối, với lý do là bà không được phép tiết lộ nhiều bí ẩn hơn cái đã viết trong Isis.
Quyển I, Khoa Học, xem xét chương đầu của sách Origin of Species, Charles Darwin và sách Physical Basis of Matter, Thomas Huxley. HPB không phản đối quyển trước nhiều như quyển sau. Nét chính trong tư tưởng của Darwin là nhiều loài tiến hóa từ một số ít loài, nếu nhìn nhận luật tiến hóa thì nói rộng ra người ta có thể chấp nhận ý kiến ấy, tuy có thể không chấp nhận phần chi tiết mà ông đề ra. Darwin không nói những loài đầu tiên từ đâu mà có, sự bỏ qua điều này khiến còn khoảng trống để tinh thần có chỗ đặt chân, nhưng Huxley chặn mất khe hở này với xác định là mọi vật từ vật chất nguyên sinh (protoplasm) mà ra. Chủ trương ấy thẳng tay bác bỏ tính thiêng liêng tuy Huxley không biết, và hệ quả là ngày nay nhiều thuyết khoa học nêu ra hoàn toàn không có phần tâm linh, như nói rằng loài vật không có cảm xúc như người vì chúng không có linh hồn. Ý này là điều mà HPB chống đối mạnh mẽ.
Trong sách, những chuyện lạ lùng ghi trong kinh thánh và những cổ thư khác, được xem xét và khảng định, là chúng không nhất thiết là giả tưởng hay siêu phàm (là chuyện không thể có được), mà có thể giải thích được theo một khoa học khác với khoa học vật chất hiện thời. Sách của Huxley có trích một câu nói:
– Phép lạ là sự vi phạm luật thiên nhiên.
Câu đáp của HPB dài hơn 628 trang mà tóm tắt là:
– Đúng thế, nhưng có những luật trong thiên nhiên mà quí vị không hiểu.
Quyển II, Thần Học, bà thách đố lời tự tôn của Thiên chúa giáo, rằng tôn giáo này sở hữu những chỉ dạy chỉ riêng nó có, và trình bầy cho thấy các biểu tượng trong tôn giáo ấy, phát sinh từ biểu tượng của nhiều tôn giáo trước nó, nhất là của Ai Cập. Có một triết lý minh triết nằm bên trong mỗi tôn giáo lớn, và triết lý này giống y nhau trong các tôn giáo. Cái yếu tính vĩnh cửu, không thể xóa nhòa, bất khả tư nghị mà mọi suy luận chỉ vô ích, là cái vô phái tính. Không có cực nào vì hai cực là một, khi theo sự tuần hoàn hai cực đối nghịch nhau thì một vũ trụ thành hình. Cực nữ hay Thánh Mẫu Đồng Trinh đích thực, được gọi là Isis trong tôn giáo của cổ Ai Cập, từ đây sinh ra tinh vân và các vì tinh tú, nhưng ý niệm này được giáo hội Thiên chúa giáo đồng hóa với mẹ của một nhà tiên tri. Một số tranh đức Mẹ Đồng Trinh vẽ những ngôi sao lấp lánh quanh đầu ngài, còn hoa huệ mà ngài cầm trong tay ở những tranh khác, thì không gì hơn là biến thể tây phương của hoa sen, loại hoa thánh của Isis. Quan niệm ba ngôi của tây phương cũng phát xuất từ Osiris và Horus, Cha và Con của Ai Cập cổ.
Theo bà Phật giáo là tôn giáo trưng bầy triết lý minh triết này rõ ràng nhất. Buddhi có nghĩa là huệ, minh triết và khi nói tới Phật giáo, bà không nhất thiết nói đến một kinh sách nào, vì có những vị Phật đã xuất hiện trước đức Thích Ca và đức Di Lặc sẽ đến với thế gian sau ngài. Điều bà luôn luôn muốn nói khi dùng chữ Buddhism, là cái triết lý minh triết học hỏi được từ các Chân Sư mà không hàm ý Phật giáo.
Trong chương cuối của quyển II có ghi '10 Điểm của Isis' với lời giới thiệu:
– Để hiểu các nguyên lý của luật thiên nhiên có can dự... độc giả cần giữ trong trí những định đề căn bản của triết lý đông phương mà chúng tôi đã giải thích. Ta hãy nhắc lại thật ngắn:
1. Không có phép lạ. Mọi việc xẩy ra là kết quả của luật vĩnh cửu, không thay đổi, luôn luôn tác động.
2. Thiên nhiên có ba phần thành một: có một thiên nhiên hữu hình, khách quan; một thiên nhiên vô hình, nội tại, chủ lực, cái là mô hình giống hệt cái trước và là nguyên lý thiết yếu cho nó; và trên cả hai cái là tinh thần, cái nguồn cội của mọi lực, chỉ mình nó là vĩnh cửu và bất hoại.
3. Con người cũng gồm có ba phần: ta có thân xác là cái khách quan, linh hồn là con người thật, và một phần thứ ba bao trùm soi sáng hai phần này, cái là chủ tể và là tinh thần bất tử. Khi con người thật hòa hợp được với cái sau thì ta trở thành thực thể bất tử.
4. Huyền thuật (magic), nói về mặt khoa học thì đó là sự hiểu biết về những nguyên lý và phương cách, mà nhờ đó con người có được sự toàn tri, toàn năng và làm chủ những lực trong thiên nhiên, trong lúc còn ở trong xác phàm. Nếu nói như là một thuật thì đó là việc áp dụng hiểu biết này vào thực hành.
5. Minh triết cổ thời khi bị lạm dụng thì thành tà thuật, còn nếu sử dụng cho mục đích tốt lành thì ta có huyền thuật chân chính, hay Minh Triết.
6. Thuật đồng cốt là cái đối nghịch với sự đắc đạo, người đồng là dụng cụ thụ động cho những năng lực khác lạ, còn vị đạo sư chủ động làm chủ mình và tất cả những tiềm năng thấp hơn.
7. Tất cả những vật đã từng hiện hữu, đang hay sẽ là, đều được lưu trữ trong ký ức của vũ trụ vô hình. Vị đạo sư có huấn luyện khi dùng nhãn quang tâm linh, có thể biết tất cả những gì đã biết hay có thể biết được (trong thái dương hệ của chúng ta).
8. Các giống dân khác nhau về khả năng tinh thần được phú cho họ, như là khác nhau về mầu da, vóc dáng hay bất cứ tính chất bên ngoài nào; nơi một số dân họ có khả năng thông nhãn - clairvoyance trội hơn; nơi số người khác là khả năng đồng cốt. Có người thông thạo huyền thuật - magic, và truyền những  luật bí mật của  nó về cách dùng thuật từ thế hệ này sang thế hệ sau, với kết quả là một loạt ít hay nhiều rộng rãi các hiện tượng tâm linh.
9. Một trong những huyền thuật là việc linh hồn tự ý rút khỏi thân xác có ý thức. Với một số đồng cốt cũng có sự rút khỏi này nhưng nó vô thức và không tự ý... Đối với việc di chuyển đó đây của linh hồn, thì nó không bị hạn chế trong không gian lẫn thời gian. Nhà huyền thuật tinh thông về khoa huyền bí, có thể làm cho thân xác mình như biến mất đi, hay có vẻ như lấy hình dạng khác theo ý họ, làm cho thể thanh của họ hiển hiện hay cho nó hình dạng khác...
10. Căn bản của huyền thuật là hiểu biết cặn kẽ mặt thực dụng của điện từ học, tính chất, sự tương quan và tiềm năng của chúng. Tóm tắt thì Huyền thuật là Minh Triết tinh thần; thiên nhiên là tôi tớ vật chất cho thuật sĩ (magician). Có một nguyên lý thiết yếu thấm nhuần mọi vật mà ý chí của người hoàn thiện kiểm soát được... Vị đạo sư có thể làm chủ cảm xúc, và thay đổi tình trạng của thể xác và thể thanh của người khác chưa phải là đạo sư, ngài cũng có thể chế ngự và điều động tinh linh ngũ hành nếu muốn. Ngài không thể làm chủ tinh thần bất tử của bất cứ ai dù sống hay chết, vì tinh thần ấy là những điểm linh quang như nhau của Bản Chất Thiêng Liêng, và không thể bị những gì khác lạ bên ngoài chế ngự.
Viết Isis là công lao khó nhọc, có vẻ như HPB không để tâm sắp xếp bài viết cho thành hệ thống mạch lạc, trọn bản thảo của bà là những đoạn về đề tài này hay kia không thứ tự. Ngoài việc sửa lại Anh văn của bản nháp, ông Olcott còn xếp đặt để các phần liền lạc với nhau cho sách có cơ cấu. Ông không hề thay đổi bất cứ đoạn nào khi ông nhận ra là của Chân sư viết, mà chỉ làm vậy với những gì tin chắc là thuộc về HPB. Về sau khi bà đã qua đời, có cáo buộc là HPB trích dẫn tác giả khác mà không trưng ra xuất xứ, ông cho rằng có thể là khi chuyển các đoạn từ chỗ này sang chỗ kia để có trình tự hợp lý hơn, không chừng ông đã lấy ra một phần trong đoạn bà trích dẫn và do đó không có ghi xuất xứ.
Ông cũng chia trọn bản thảo thành hai phần, một phần chứa đựng tất cả những gì có vẻ như để trả lời khoa học vật chất lúc ấy, tức cuốn I có tên Khoa Học, và phần kia là cuốn II tức Thần Học, so sánh các dị biệt giữa chỉ dạy của MTTL và giáo hội. Mục lục cuốn I và các tiểu đề mô tả cũng do ông soạn ra, còn người khác làm việc ấy cho cuốn II. Isis thường được xem như là sách giới thiệu MTTL đến người tây phương, nhưng đông phương cũng đáp ứng rất thuận lợi với sách. Nhiều người Ấn khi đọc sách đã biết thêm về giá trị của tôn giáo mình và sau đó gia nhập hội, thí dụ như Damodar, T. Subba Row ta sẽ gặp về sau này.
Chi tiết về những việc lạ lùng xẩy ra trong lúc HPB viết quyển Isis, cách sách được soạn, có ghi kỹ trong bộ hồi ký 'Old Diary Leaves' của ông Olcott, nên ta trích nhiều đoạn trong sách này để hiểu rõ hơn. Ta đã trích dẫn đoạn đầu ở là phần A nay sách ghi tiếp (B):
– Khi về New York trở lại bà không chăm chỉ cho lắm trong việc này, chỉ thỉnh thoảng mới viết; nhưng khoảng một hay hai tháng sau khi thành lập hội, bà và tôi lấy hai căn ở số 433 West đường 34, bà ở tầng một và tôi ở tầng hai, từ đó việc soạn cuốn Isis diễn ra không gián đoạn hay ngơi nghỉ gì, cho tới khi xong vào năm 1877.
'Trong trọn đời mình bà chưa hề bỏ công cho việc trước tác nào, vậy mà tôi cũng chưa hề biết có ký giả nào hằng ngày làm việc có thể so sánh được với bà, về sự chịu đựng bền bỉ hay khả năng làm việc không biết mệt. Từ sáng đến tối khuya bà ngồi tại bàn viết, rất hiếm khi mỗi người trong hai chúng tôi đi ngủ trước 2 giờ sáng. Ban ngày tôi có việc làm của mình ở văn phòng, nhưng luôn luôn sau bữa cơm tối ăn sớm, chúng tôi cùng ngồi vào chiếc bàn lớn để làm việc, như phải làm mới sống được, cho tới khi cơ thể mệt lả bắt buộc phải ngừng. Quả là một kinh nghiệm !
'Bà làm việc không theo một kế hoạch định sẵn, mà ý tưởng tuôn vào trí như giòng suối chảy liên tục luôn luôn tràn bờ. Nó đến một cách lặng lẽ rỉ rả không ngưng, mỗi đoạn tự nó có trọn ý nghĩa và có thể tách bỏ ra mà không hại gì đến câu trước hay câu sau. Cầm bản thảo của bà lên xem thật là hình ảnh lạ lùng: cắt rồi đắp dán, cắt lại và dán lại cho tới khi nếu soi một trang lên ánh sáng ta sẽ thấy nó gồm 6, 8 hay cả 10 miếng cắt từ những trang khác dán lại với nhau, và bài viết được nối bằng câu hay chữ giữa các khúc này.
'Tôi sửa lại mỗi trang bản thảo nhiều lần, mỗi trang của bản in thử, viết nhiều đoạn cho bà, thường khi chỉ là diễn tả ý tưởng của bà mà khi ấy bà chưa thể viết theo ý của mình bằng tiếng Anh, giúp bà tìm câu trích dẫn và làm những chuyện khác hoàn toàn là phụ thuộc. Cuốn sách hoàn toàn là công lao của riêng bà mà thôi nếu chỉ nói đến những cá nhân ở cõi trần này, và bà phải nhận lãnh hết mọi lời khen chê về sách. Vậy thì, HPB lấy tài liệu ở đâu để viết bộ Isis, tài liệu mà không thể truy nguyên từ nguồn bà có thể có được ? Đó là từ Thiên Ảnh ký (Akashic Record), từ linh hồn bà, từ các bậc Thầy của bà mà người ta gọi bằng nhiều cách khác nhau như Huynh Trưởng, Đạo sư, nhà Hiền Triết. Làm sao tôi biết được ? Đó là nhờ hai năm làm việc với bà về cuốn Isis và nhiều năm nữa cho việc viết lách khác.
'Xem bà làm việc là một kinh nghiệm hiếm có và không bao giờ quên được. Thường thì chúng tôi ngồi đối diện ở hai bên chiếc bàn lớn, và tôi có thể thấy mọi cứ động của bà. Bút của bà lướt thoăn thoắt trên trang giấy rồi bà đột nhiên ngưng lại, nhìn vào khoảng không với mắt vô thần như của người dùng thông nhãn (clairvoyance), nheo mắt lại như thể nhìn vào vật vô hình trong không trước mặt bà, và bắt đâu chép xuống cái bà đã thấy. Khi trích dẫn đã xong, mắt trở lại bình thường và bà tiếp tục viết, cho đến khi dừng lại nữa với gián đoạn tương tự.
'Tôi nhớ rất rõ hai lần khi tôi cũng có thể thấy và ngay cả cầm lấy, những cuốn sách mà bà đã chép trích dẫn xuống giấy. từ phần thể vía tương ứng của sách, và bà đã chìu ý làm hiện ra sách bằng vật chất đậm đặc cho tôi dò lại khi đọc bản in thử, vì tôi không chịu thông qua những trang này, trừ phi biết chắc là bà trích dẫn đúng. Sự việc xẩy ra lúc chúng tôi ngụ tại số 302 West đường 47, nơi được bạn bè gọi là Lama viện (Lamasery) và là văn phòng điều hành của hội. Tôi nói:
– Tôi không thể thông qua đoạn trích dẫn này được, vì tôi tin chắc là nó không giống như bà viết.
HPB bảo:
– Để ý làm chi, nó đúng mà, ông thông qua đi.
Tôi không chịu và cuối cùng bà nói:
– Đợi một phút để tôi thử lấy sách.
Ánh mắt xa vắng hiện ra trong mắt bà và rồi bà chỉ vào góc phòng ở xa, có kê sách để chưng những vật lạ, nói bằng giọng không hồn:
– Đó !
Xong bà trở lại bình thường:
– Kìa, ra kia mà lấy!
'Tôi tới chỗ và thấy hai cuốn sách mình cần ở đó mà theo tôi biết, trong nhà trước đây không có hai cuốn này. Tôi so sánh bản văn với đoạn trích của HPB, chỉ cho bà thấy là tôi nghi ngờ đúng vì có lỗi, sửa lại bản in thử và theo lời yêu cầu của bà, đặt hai cuốn sách vào chỗ cũ trên kệ. Tôi lại ghế ngồi và làm việc tiếp, lát sau khi quay lại nhìn về phía đó thì sách đã biến mất ! Ai nghi ngờ là tôi loạn trí thì mong sao đó là điều hay cho họ. Chuyện y vậy cũng xẩy ra trong trường hợp một cuốn sách khác được mang từ xa đến đây, nhưng cuốn này bây giờ vẫn còn ở đây trong tay chúng tôi.
'Những trang mà HPB viết xong mỗi lúc có những khác biệt rõ ràng. Trong khi chữ viết giống hệt như nhau trong trọn bản thảo, khiến cho ai quen với nét chữ của bà luôn luôn có thể biết trang nào là chữ của HPB, nhưng khi xem kỹ ta khám phá là ít nhất có ba hay bốn cách khác nhau, mỗi cách kéo dài nhiều trang rồi nhường chỗ cho nét viết khác. Lối viết chữ của trọn công việc trong một buổi tối hay nửa buổi tối, sẽ đột nhiên nhường chỗ cho chữ viết khác, kéo dài trong suốt phần còn lại của tối ấy. Một loại chữ viết tay như vậy của HPB rất nhỏ không điệu đà, chữ khác mạnh mẽ phóng khoáng; cái khác nữa cũng không tô vẽ, cỡ chữ vừa phải rất dễ đọc, lại còn chữ khác viết nguệch ngoạc khó đọc với chữ a, x và e có nét lạ mắt kỳ quặc. Rồi lại có những lối đặt câu Anh văn hết sức khác nhau. Đôi khi mỗi hàng tôi phải sửa nhiều chỗ, nhưng khi khác thì nhiều trang tôi có thể thông qua, không có mấy lỗi về thành ngữ hay chính tả phải sửa lại.
'Phần bản thảo hoàn hảo nhất được viết cho bà trong lúc bà ngủ, thí dụ là đoạn mở đầu của chương nói về nền văn minh của Cổ Ai Cập (chương 14 quyển 1). Tối đó chúng tôi ngưng việc vào khoảng 2 giờ sáng như thường lệ, cả hai mệt nhoài nên không nghỉ để hút thuốc và trò chuyên như thường lệ, trước khi ai về phòng nấy; bà gần như thiếp ngủ trong ghế mình khi tôi chúc bà ngủ ngon, nên tôi vội vã về phòng của mình. Hôm sau khi tôi xuống nhà lúc ăn sáng xong, bà cho tôi xem một chồng ít nhất 30 hay 40 trang có chữ viết của bà rất đẹp, và nói một Chân sư đã viết cho bà. Đó là bài viết toàn hảo về mọi phương diện, được cho đi in ngay không cần xem lại.
'Chuyện lạ lùng là mỗi thay đổi trong bản thảo của HPB, được báo trước hoặc là bà rời phòng chốc lát, hay bà ngồi sững bất động xuất thần, mắt vô hồn của bà nhìn xuyên qua tôi vào không gian, và trở lại bình thường gần như tức khắc, và cũng có sự thay đổi rất rõ rệt về cá tính, hay đúng hơn là đặc tính riêng về dáng điệu, cách nói chuyện, sự linh động của cử chỉ và trên hết cả là tính khí.
'HPB rời phòng là một người mà trở vào phòng là một người khác, không phải là thay đổi hữu hình về cơ thể mà khác về cử động, lối ăn nói và điệu bộ, mức linh hoạt về trí não khác nhau, quan niệm khác biệt, chữ viết Anh ngữ cũng khác, cách đặt câu và văn phạm, và ngay cả tính tình cũng rất khác. Lúc vui nhất thì bà y như thiên thần mà khi tệ nhất thì thôi, nó trái ngược hẳn.
'Bà có viết Isis như là một người đồng cốt thường gặp không ? Tôi xin trả lời là chắc không. Tôi đã gặp đủ mọi loại đồng cốt như nói chuyện, xuất thần, viết, tạo hiện tượng, chữa bệnh, có thông nhãn và hiện hình, thấy họ làm việc, dự những buổi cầu hồn của họ, và quan sát những dấu hiệu họ bị nhập vô và chiếm hữu. Trường hợp của HPB không giống bất cứ ai. Gần như tất cả những gì họ làm được bà cũng làm được, mà tự ý làm khi nào bà thích, ban ngày hay ban đêm, không cần có đông người họp thành vòng, đòi chọn nhân chứng hay áp đặt những điều kiện thông thường. Lại nữa tôi có bằng chứng mắt thấy, là ít nhất vài người làm việc với chúng tôi là người sống, vì đã thấy họ bằng xương bằng thịt tại Ấn Độ, sau khi đã thấy họ trong thể tình cảm ở Hoa Kỳ và Âu châu, đã chạm vào người và nói chuyện với họ.
'Một trong những Vị đã sử dụng bà, người mà tôi đã gặp tận mắt, có hàm râu dài và râu mép xoắn lại kiểu Rajput hai bên mép. Ngài có thói quen kéo râu mép không ngừng khi suy nghĩ miệt mài, làm một cách máy móc và vô ý thức. Thế thì, có những khi con người HPB tan biến đi và bà trở thành một 'Vị', lúc ấy tôi ngồi nhìn tay bà làm như kéo và xoắn hàng râu mép chắc chắn không thấy mọc ở môi trên của bà, mắt thì có cái nhìn xa vắng. Tới khi Vị râu mép quay trở lại chuyện đang làm, và ngẩng đầu lên thấy tôi chăm chú nhìn ngài, thì vội vàng đưa tay trên mặt xuống và tiếp tục chuyện viết lách.
'Rồi lại có Vị khác không thích Anh văn đến độ không hề nói với tôi bằng ngôn ngữ nào ngoài Pháp ngữ, ngài có tài cao về nghệ thuật và rất say mê các phát minh cơ khí. Vị khác nữa thỉnh thoảng ngồi đó nguệch ngoạc bằng bút chì trên giấy, và tuôn cho tôi hàng chục câu thi vị với ý tưởng khi thì cao siêu khi thì hài hước. Theo cách đó mỗi ngài trong số các Vị có đặc tính riêng thật rõ rệt, nhận ra ngay như đặc tình thuộc bất cứ thân hữu nào của ta. Một ngài vui tính, thích kể chuyện và rất có duyên, Vị khác chững chạc, kín đáo và thông thái. Một vị thì điềm đạm, kiên nhẫn và tốt bụng giúp đỡ, Vị nữa khó tính đôi khi rất bực mình. Có một Vị luôn luôn sẵn lòng nhấn mạnh lời giải thích, có tính triết lý hay khoa học, về đề tài mà tôi đang viết bằng cách làm hiện tượng cho tôi thấu đáo, trong khi với Vị khác thì tôi chẳng dám đá động tới chuyện.
'Một buổi tối tôi học một bài học để đời. Trước đó tôi mang về nhà hai cây viết chì mềm, tốt, đúng là vật cần cho chuyện viết lách của chúng tôi, và đưa HPB một cây còn một cây cho mình. Bà có tật rất xấu là hay mượn dao gọt bút chì, bút chì và những vật dụng văn phòng rồi quên trả, một khi cất chúng vào ngăn kéo phía bên bà, là chúng sẽ nằm ở đó luôn bất kể bạn phản đối thế nào. Tối đó Vị có tài nghệ thuật vẽ phác họa trên tờ giấy thường và trò chuyện với tôi, rồi ngài hỏi mượn một cây viết chì nữa. Óc tôi nẩy ngay ra ý:
– Nếu bây giờ cho mượn cây viết chì tốt này thì nó sẽ chui vào hộc tủ của bà, và mình không còn cây nào để dùng.
'Tôi không nói ra, chỉ nghĩ trong đầu nhưng ngài nhìn tôi chế diễu nhẹ nhàng, thò tay ra cái khay đựng viết nằm giữa hai chúng tôi, đặt cây viết chì của mình vào đó, mấy ngón tay lăn nó vài lần, và bất chợt một lố cây viết chì giống y hệt, cùng hiệu và cùng phẩm chất hiện ra! Ngài không nói lời nào, cũng không nhìn tôi, nhưng máu dồn lên thái dương và tôi thấy xấu hổ như chưa bao giờ xấu hổ trong đời. Sao đi nữa, tôi thấy mình không đáng bị trách cứ như thế, vì nghĩ đến tật ưa cất giữ dụng cụ văn phòng của HPB coi !
'Khi bất cứ ai trong các Vị này hiện diện, thì bản thảo của HPB sẽ có đặc tính y hệt như lần trước ngài đến viết. Nếu lúc đó bạn đưa tôi bất cứ trang bản thảo nào của Isis, thì gần như chắc chắn là tôi có thể cho hay Vị nào đã viết nó. Vậy thì con người HPB ở đâu trong những lúc có thay đổi ấy ? Theo tôi hiểu, bà cho mượn thể xác của mình như ta cho mượn máy đánh chữ, và bỏ đi lo chuyện huyền bí khác có thể làm trong thể tình cảm của mình; một nhóm các Đạo sư thay phiên sử dụng thân xác bà. Khi các ngài biết là tôi có thể phân biệt ai với ai, tới độ đặt ra tên cho mỗi vị và HPB với tôi dùng tên ấy nói về họ trong lúc các ngài vắng mặt, thì họ thường nghiêm trang cúi chào hay gật đầu thân thiện chào từ giã, khi sắp rời phòng nhường cho Vị khác đến nhập xác. Đôi khi các ngài nói chuyện với tôi về một vị trong bọn, như bạn hữu kháo nhau về người thứ ba, bằng cách ấy tôi biết đôi điều về lai lịch của mỗi Vị, và chúng tôi cũng chuyện vãn về HPB vắng mặt lúc đó, phân biệt bà với thể xác mà các ngài mượn của bà.
'Một buổi tối có một bà khách vui tánh đến chơi. Trước khi về bà vuốt ve HPB, ngồi trên tay ghế của bà, vỗ nhẹ bàn tay của HPB và hôn lên má bà. Tôi đứng gần đó thấy gương mặt lộ ra cái nhìn kinh ngạc chịu trận, của Vị (phái nam) lúc ấy ở trong thân xác bà. Tôi đưa bà khách ra cửa và khi quay trở vào, gần như muốn òa ra cười lớn bởi Vị này - một đạo sư khắc khổ người Ấn - đưa mắt rầu rĩ nhìn tôi, nói thật khổ não không bút nào tả hết:
– Bà khách HÔN tôi !
Tôi phải ngồi phịch xuống ghế.
Có buổi tối nghĩ rằng đang nói chuyện với HPB, tôi bảo:
– Ngựa Già ơi, ta làm việc nào.
theo ý chúng tôi là hai con ngựa kéo xe, nhưng tôi đỏ bừng lên xấu hổ, vì vẻ kinh ngạc và nghiêm nghị sửng sốt hiện ra trên nét mặt, cho tôi thấy mình lầm to và cũng nhận ra đó là Vị nào. Đây là một trong những Vị mà tôi tôn kính vô cùng, ngài gốc miền nam Ấn Độ, là bậc Thầy của các Chân sư, vẫn còn sống nơi ấy như là một điền chủ.'
Trong thư cho em gái là Vera, HPB nói về việc này như sau:
– Có Vị đến và bao trùm chị như một màn sương và lập tức kéo chị ra khỏi xác, rồi chị không còn là 'cái tôi HPB' nữa mà là người khác, là một ai mạnh mẽ đầy quyền năng, sinh ở vùng khác hẳn trên thế giới. Còn về phần chị thì gần như là ngủ thiếp hay nằm cạnh đó, không tỉnh thức hẳn, không ở trong cơ thể của mình mà gần bên, chỉ có một sợi dây ràng buộc chị vào nó. Tuy nhiên có lúc chị thấy và nghe mọi việc thật rõ ràng, hoàn toàn ý thức là xác thân nói và làm gì, hay ít nhất chủ nhân mới của nó nói và làm gì. Chị hiểu và nhớ kỹ đến nỗi sau đó có thể lập lại, luôn cả việc viết xuống lời của ngài. Vào lúc như thế chị thấy nét mặt ông Olcott và người khác kinh ngạc nể sợ, và thích thú theo dõi cách ngài nhìn họ tội nghiệp qua mắt của chị, và dạy họ bằng miệng lưỡi của chị. Cái trí của ngài bao trùm não bộ của chị như đám mây.
Bà viết cho Vera về cuốn Isis:
– Khi viết cuốn Isis chị viết thật dễ dàng, không mệt nhọc gì mà là nỗi vui thật sự. Tại sao chị lại được khen chứ ? Bất cứ khi nào chị được kêu viết thì chị ngồi xuống và vâng lời, rồi chị có thể viết dễ dàng về gần như bất cứ đề tài gì: siêu hình học, tâm lý, triết lý, các tôn giáo cổ, động vật học, khoa học thiên nhiên hay cái gì khác. Chị không bao giờ tự hỏi:
– Liệu mình viết được đề tài này không, hay:
– Mình có đủ khả năng làm việc này không ?
mà chỉ ngồi xuống và viết. Tại sao ? Vì có ai đó tinh thông mọi việc đọc cho chị viết, như Thầy của chị và đôi khi những Vị khác mà chị đã biết, trong những cuộc du hành bao năm về trước. Em đừng tưởng là chị đã loạn trí, chị nói úp mở cho em trước đây rồi... và chị nói thật với em là bất cứ khi nào viết một đề tài chị biết rất ít, hay không biết gì hết, chị kêu gọi các ngài và một trong các ngài sẽ gợi hứng cho chị, nghĩa là ngài cho chị chỉ giản dị chép lại từ bản thảo, ngay cả sách in trải ra trước mắt chị trong không, trọn lúc ấy chị không hề thiếu ý thức một giây nào.
Thư khác cho Vera có đoạn:
– Chị bác bỏ hoàn toàn lời nói rằng sách là sự hiểu biết hay ký ức của riêng chị, vì chị không thể nào tự mình có được những nhận xét hay kết luận như trong sách... Nói thật với em,chị được trợ lực và người giúp đỡ là Thầy của chị... Coi nào, em biết chị mà. Chị học ở đâu để viết được bao chuyện như thế ? Tất cả những hiểu biết này từ đâu mà ra ?